Lễ hội đua ghe ở Hội An và lễ hội đua ghe ngo ở tỉnh Sóc Trăng mang nét đẹp riêng ở vùng miền, tạo nên những dấu ấn thu hút du khách mọi nơi. Lễ hội đua ghe ngày nay không chỉ nhằm mục đích bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến cổ vũ, mặc dù tất cả những tay đua đều là vận động viên nghiệp dư. Cùng tìm hiểu sự khác biệt giữa hai lễ hội này nhé.
Đến hẹn lại lên, rằm tháng 10 âm lịch hàng năm, đồng bào Khmer lại tổ chức lễ hội Óc Om bóc gắn hội đua ghe ngo truyền thống. Đây là lễ hội lớn trong năm của bà con Khmer. Điều đó được minh chứng qua số lượng hàng chục nghìn bà con khắp các phum sóc đổ về tụ tập kín hai bên bờ sông Maspero, thành phố Sóc Trăng để tham gia lễ hội và xem, cổ vũ cho ghe ngo tranh tài.
Theo phong tục cổ truyền của người Khmer, ngày hôm sau lễ cúng trăng (15/10) là tục đua ghe Ngo. Trước khi đi dự thi, cộng đồng thường làm lễ tạ thần và tổ chức chiêu đãi những người tham gia cuộc thi. Đội đua gồm những trai tráng khoẻ mạnh, có kinh nghiệm, được lựa chọn rất kỹ từ trước. Mỗi đội có trang phục đẹp, mũ cùng màu. Tham gia cuộc đua có hàng chục chiếc ghe đại diện cho các chùa hay cộng đồng ở nhiều địa phương. Ban tổ chức chia các đội ghe tham dự thành hai nhóm A và B. Thông thường nhóm A là các ghe đã được xếp hạng trong mùa giải trước. Nhóm B là tất cả các ghe ngo còn lại.
Nhạc ngũ âm, tiếng trống, tiếng cồng và tiếng hò - hụi của các đội đua đang khởi động làm sôi động cả khúc sông. Trong đua ghe Ngo, việc cầm lái, giữ lái để chiếc ghe đi đúng hướng, nhịp bơi của những mái dầm phải thật nhịp nhàng là những yếu tố quyết định đến tốc độ của chiếc ghe. Lễ hội năm nay bao gồm các hoạt động chính như: Giải đua ghe Ngo, lễ cúng trăng, hội thi thả đèn nước và phục dựng ghe Cà Hâu, lễ hội đường phố. Bên cạnh đó, còn có một số hoạt động khác như: Hội chợ thương mại, triển lãm, du lịch và liên hoan ẩm thực, hội thao dân tộc, ca múa nhạc tổng hợp và biểu diễn nghệ thuật sân khấu Dù kê, hội thảo khoa học, triển lãm ảnh nghệ thuật…
Lễ Hội đua ghe Ngo được tổ chức hàng năm ở thành phố Sóc Trăng, những năm gần đây có nhiều địa phương đến tham gia như Cần Thơ, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, thậm trí còn có đội ghe ngo đến từ nước bạn Căm Pu Chia. Điều này chứng tỏ lễ hội gắn liền với môn thể thao truyền thống này đang phát triển mạnh mẽ, trở thành sự kiện văn hoá truyền thống lớn ở Việt Nam. Giải đua ghe ngo lễ hội Ook Om Bok ở Sóc Trăng thu hút 47 đội đến từ các tỉnh miền Tây, tranh tài sôi nổi trên sông Mapréro.
Xem thêm: LỄ VÍA BÀ THIÊN HẬU VÀ BÀ THU BỒN Ở HỘI AN
Lễ hội đua ghe ở Hội An được tổ chức cùng với lễ hội Nguyên tiêu với mục đích bảo tồn văn hóa truyền thống từ nhiều năm nay. Con thuyền gắn bó với sinh hoạt, đời sống, phong tục, lễ hội của người Việt Nam từ cổ xưa đến nay. Văn hóa vùng sông, biển với những tục lệ lâu đời đã thành phong tục đặc sắc là vốn quý trong kho tàng văn hóa dân gian bản địa cổ truyền.Thuyền rồng trong lễ hội dân gian mang ý nghĩa linh thiêng, trang trọng. Đặc biệt, ở những lễ hội thờ các vị anh hùng dân tộc, võ tướng, có công đức thì theo ý niệm dân gian, chính các Ngài đã về “ngự” trên thuyền để việc cầu phúc, cầu sức khỏe, an khang thịnh vượng của người tổ chức hội, dự hội, xem hội được như ý nguyện.
Tại các làng chài ven sông, biển Hội An, đua ghe là một sinh hoạt văn hóa không thể thiếu, thường diễn ra trong dịp mừng xuân từ mùng 2 đến mùng 7 tháng Giêng, cầu ngư vào rằm tháng Hai và cầu an vào khoảng trung tuần tháng Ba âm lịch. Theo quan niệm dân gian, đua ghe là dịp làm vui lòng các thánh thần thượng sơn hạ thủy và những đấng khuất mặt đã phù hộ cho thôn xóm bình yên. Trước mỗi cuộc đua ghe, các làng xã náo nhiệt chuẩn bị, tập luyện. Chiến thắng trong các cuộc đua là niềm tự hào của dân làng, có ý nghĩa mang lại vận may trong mùa màng sắp tới.
Dân đi biển thường tổ chức đua thuyền hình rồng tạo thành nét văn hóa biển độc đáo. Ngoài ra, còn có tục lắc thuyền thúng đua ngày hội là một nét lạ, góp phần phong phú thêm lễ hội đua thuyền dân gian Hội An. Những lễ hội đua thuyền kể trên vừa mang tính thể thao, văn nghệ (ca múa nhạc) vừa là nét văn hóa vùng sông, biển, để cùng với các lễ hội đồng bằng tạo nên một phần của bản sắc văn hóa Việt Nam.
Lễ hội đua ghe ngày nay không chỉ nhằm mục đích bảo tồn giá trị văn hóa truyền thống, mà còn thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến cổ vũ, mặc dù tất cả những tay đua đều là vận động viên nghiệp dư.
Lễ hội đua ghe dù ở tỉnh Sóc Trăng hay ở Hội An thì cũng có những nét đẹp riêng biệt, đặc sắc, tạo nên những nền văn hóa của con người nơi đó. Hãy ghé đến và cùng hòa nhập sự đoàn kết, học hỏi vẻ đẹp văn hóa nơi đây. Đến với Hội An thì đừng bỏ lỡ dịp lễ hội đua ghe nhé và kể cả những lễ hội thú vị khác nữa. Chúc quý khách có chuyến đi vui vẻ.
BTV: Trần Thị Nguyệt
- Văn hóa Trung Quốc ngày nay (07.12.2021)
- Tìm hiểu vẻ đẹp của Trung Quốc qua 3 điểm đến nổi tiéng (07.12.2021)
- Ô trấn - Thành Cổ đẹp ngất ngây tại Trung Quốc (07.12.2021)
- 3 điểm đặc sắc tại Trung Quốc Phượng Hoàng Cổ Trấn (07.12.2021)
- 4 mẹo chuẩn bị đi du lịch Trung Quốc Tự túc (07.12.2021)
- Trang phục nữ giới của Trung Quốc thời phong kiến (07.12.2021)