Những câu chuyện kì thú không phải ai cũng biết khi du lịch Phú Quốc

Những câu chuyện kì thú không phải ai cũng biết khi du lịch Phú Quốc

Những câu chuyện kì thú không phải ai cũng biết khi du lịch Phú Quốc

Những câu chuyện kì thú không phải ai cũng biết khi du lịch Phú Quốc

Du lịch đến hòn đảo ngọc Phú Quốc không phải là điều mới lạ với nhiều du khách,có rất nhiều du khách đến đây rất nhiều lần thế nhưng có những câu chuyện vô cùng mới lạ không phải ai cũng biết. Bạn đã nghe qua những điều này chưa ? Cùng tìm hiểu với Art Travel nhé.

Khám phá những câu chuyện kì thú ở Phú Quốc
Khám phá những câu chuyện kì thú ở Phú Quốc

Phú Quốc được khai phá từ khi nào?


Chỉ những người sống lâu năm ở Phú Quốc mới biết rằng ở chân núi Bãi Xếp nằm về phía Nam đảo có một hang động thờ Phật, trên vách đá vẫn còn in rõ dấu khắc bản minh văn chữ Hán, do một nhà sư đến tu hành và dựng lên cách đây hơn 1.500 năm. Những người già trong vùng cũng kể rằng, đã có một thời Phú Quốc là thương cảng sầm uất, là điểm dừng chân của những thương thuyền chèo bằng sức người trên hải trình từ Bắc vào Nam, từ Thái Bình Dương sang Ấn Độ Dương và ngược lại.

Phú Quốc từ lúc còn hoang sơ đến lúc phát triển thành một điểm đến du lịch tuyệt đẹp.
Phú Quốc từ lúc còn hoang sơ đến lúc phát triển thành một điểm đến du lịch tuyệt đẹp.

Nhưng Phú Quốc chỉ thực sự được đánh thức vào mùa thu năm 1708. Mạc Cửu – một người Hoa quê Lôi Châu (Quảng Đông, Trung Quốc) đã chạy sang hàng phục Chúa Nguyễn, khai khẩn vùng đất này, đặt vào trấn Hà Tiên. Cư dân của Phú Quốc lúc bấy giờ chủ yếu là người Việt, người Hoa gốc Hải Nam và một số ít người Cao Miên (Khmer) sinh sống bằng nghề khai thác tài nguyên biển đảo. Những sản vật quí giá hơn vàng ở đảo như ngọc trai, trầm hương, nhân sâm, hậu phát, đồn đột… đã thu hút cư dân tứ xứ đến khai hoang lập nghiệp trên đảo và hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa dần trở nên nhộn nhịp. Để phòng những cuộc tấn công bất ngờ của hải tặc, năm 1735 tổng trấn Hà Tiên, Mạc Thiên Tích lên thay cha (Mạc Cửu) đã ra tay trấn cướp và còn cho lập trên đỉnh núi Hòn Chảo (thuộc xã Gành Dầu ngày nay) một đàn trời rộng lớn làm nơi đốt lửa báo nguy cho Phương Thành (Hà Tiên) khi cần ứng cứu.

 Vì sao có lắm “Bãi Ngự”?


Nhiều người không khỏi thắc mắc, vì sao đảo Phú Quốc và nhiều đảo nhỏ hơn như Thổ Chu (còn gọi là Thổ Châu), đảo Hòn Thơm… vốn nằm khá xa đất liền lại có hàng chục địa danh “bãi ngự”. Điều có thể lý giải là vua Gia Long – Nguyễn Ánh trong thời gian bôn tẩu, đối đầu với nhà Tây Sơn đã ít nhất 4 lần phải dùng thuyền chèo chạy trốn ra đảo Phú Quốc. Lần đầu tiên là vào năm 1780, khi bị truy đuổi khắp nơi trong đất liền, Nguyễn Ánh cùng gia quyến, cận thần đã chạy ra Phú Quốc và lưu lại trong thời gian ngắn để tiếp thêm lương thực.

Lần thứ hai là vào tháng 5 năm 1782, Nguyễn Ánh bị Tây Sơn đánh tan tác lại phải giong buồm chạy ra đảo Phú Quốc. Quyết không để sổng địch quân như lần đầu, nhà Tây Sơn đã cho đại quân truy nã và đổ bộ lên Phú Quốc. Nguyễn Ánh khi ấy đang đóng quân tại Bãi Khem, phía Nam đảo bị dồn vào bước đường cùng, đành cởi áo bào đổi cho một viên quan cận thần rồi xuống thuyền nhỏ chạy ra biển. Viên quan cận thần kia đã liều mình cứu chúa và bị đối phương “lấy thủ cấp” tại trận. Khi quân Tây Sơn phát hiện ra bị lừa thì Nguyễn Ánh đã tới được Côn Đảo.
4 năm sau, bị dồn vào bước đường cùng, Nguyễn Ánh lại phải chạy ra Phú Quốc, rồi để vợ con lại đảo, trở lại Nam Kỳ đương đầu với Tây Sơn. Trước sự ca thán của nhân dân Phú Quốc về việc hải tặc lộng hành, năm 1795 Nguyễn Ánh thống lĩnh hạm đội hàng mấy chục chiến thuyền lần thứ tư ra đảo, diệt và bắt sống 80 tên, thu nhiều vũ khí, trong đó có cả súng đại bác. Khi lên ngôi vua (năm 1802) Nguyễn Ánh đã không quên Phú Quốc từng là nơi ẩn náu của mình, đã dùng uy quyền kêu gọi và tạo mọi sự dễ dàng cho dân cư ra đảo lập nghiệp. Đây là giai đoạn Phú Quốc phát triển cực thịnh. Tên gọi Bãi Ngự – những nơi vua Gia Long đã từng cặp thuyền, đổ quân trong thời gian đương đầu với quân Tây Sơn – ra đời trong giai đoạn này.

 Câu chuyện đại chiến chó xoáy và mãng xà chúa


Ngày ấy, đảo Phú Quốc còn rừng rậm và nhiều động vật hoang dã. Trong nghề săn bắt, không ít thợ bắt chuyên lùng bắt rắn và với bất cứ thợ săn nào ở đây thì họ luôn cần cộng sự đắc lực là loài chó xoáy. Với đặc tính giỏi chiến đấu và biết đi săn, chó xoáy biết phát hiện con mồi cách xa hàng cây số, sau đó chủ động dồn mồi vào nơi có bẫy của thợ săn. Trong mỗi chuyến đi săn, các thợ săn đều mang theo bầy chó xoáy của mình đi cùng.
Theo lời kể lại vào một biểu chiều, khi một thợ săn đi đến khu vực suối Tranh thì bỗng nhiên đàn chó xoáy 6 con dừng lại, nhìn về hướng tảng đá mà sủa inh ỏi. Chúng gầm gừ và thỉnh thoảng lùi dần, tuyệt nhiên không dám lại gần. Tưởng chó gặp cọp, người thợ săn vác khẩu súng tiến lại gần xem sự tình. Khi đến nơi, anh ta như chết đứng, toàn thân lạnh ngắt, tay đã ôm súng mà không thể ngắm bắn.
Lúc người thợ săn phát hiện trước mình là con rắn hổ mây khổng lồ đang cuộn trên một tảng đá lớn cũng là lúc anh sợ hãi đến mức đứng chôn chân một chỗ. Con mãng xà dài thượt, thân mình lớn hơn cái phích nước! May thay, con rắn không làm gì người thợ săn. Thần trí hồi phục, anh ta quay đầu chạy bán sống bán chết về làng báo tin. Thấy khuôn mặt người thợ săn tái xanh tái mét, cắt không còn giọt máu, dân làng biết ngay anh ta đã đụng mặt “sát thủ rừng xanh”.

Sau khi cấp tốc bàn bạc, hơn chục trai tráng quyết định ôm súng, nỏ chạy vào suối Tranh để giết chết mãng xà vì đây là khu vực đông người đi rừng và khu dân cư, nếu để con rắn đó tồn tại thì sẽ rất nguy hại cho con người. Nhưng sau khi đoàn người tới nơi, con mãng xà đã không còn nằm trên tảng đá đó nữa. Nhưng thật bất ngờ vì 6 chú chó xoáy của người thợ săn vẫn đang gầm gừ và tập trung quanh một cái cây. Vừa lúc đó, mọi người hoảng hồn khi thấy đầu con mãng xà khổng lồ sà xuống gần mặt đất như muốn tấn công đám chó xoáy. Thì ra con rắn đã di chuyển lên cây và nó đang cuốn mình quanh thân cây này.
Mục đích ban đầu là đi tiêu diệt rắn, nhưng khi thấy rắn thì đám trai làng không còn dũng khí để tấn công mãng xà. Tất cả chỉ biết đứng ngây người nhìn đàn chó chiến đấu với rắn hổ mây. Cuộc chiến diễn ra rất khốc liệt. Sau một hồi quần thảo, con rắn dường như đã bị cắn gãy sống lưng, phải nằm yên bất động. Tuy nhiên, hai con chó xoáy đã bỏ mạng vì dính phải nọc độc của rắn hổ mây. Chứng kiến hai “cộng sự” trung thành của mình hy sinh, người thợ săn không cầm được nước mắt. Cũng từ đó, người thợ săn này đã buông súng và bỏ nghề.
Một cán bộ kiểm lâm của Vườn quốc gia Phú Quốc cho hay, Vườn quốc gia Phú Quốc trải rộng trên toàn bộ huyện đảo, rừng già tràn ra tận ven biển, sát thị trấn Dương Đông. Về chuyện rắn hổ mây, cán bộ này nói đó là loài rắn có thật. Tuy nhiên theo anh, rắn hổ mây chính là rắn hổ chúa theo cách gọi của người ngoài Bắc. Chỉ có điều, hổ chúa trên đảo Phú Quốc có màu hơi vàng và có thân hình lớn hơn.
Chuyện anh em kiểm lâm gặp rắn hổ mây diễn ra thường xuyên, tuy nhiên chỉ gặp những con nhỏ, thân bằng cỡ… cái ống bơ sữa, dài khoảng… 5 – 6m, nặng trên dưới… 20 ký. Năm 1991, lực lượng kiểm lâm từng bắt gặp một con rắn hổ mây có thân to bằng cái phích, trọng lượng ước chừng hơn 30kg.

Qua những câu chuyện này giúp bạn hiểu thêm về vùng đất Phú Quốc xinh đẹp này. Hãy nhanh chân đến đây chiêm ngưỡng và khám phá thêm những điều thú vị mới lạ nữa nhé.Nếu bạn yêu thích những vẻ đẹp của Phú Quốc và ước mơ một lần được đặt chân đến đây thì dịp hè này sẽ là một thời điểm tuyệt vời để bạn chiêm ngưỡng trọn vẹn vẻ đẹp vùng đất này. 

BTV : Tường Vy

Chia sẻ: