Đến với vùng cao Tây Bắc, du khách thập phương không khỏi ngưỡi ngàng trước vẻ đẹp bất tận mà đất trời “ưu ái” cho cư dân nơi đây, những núi đồi trùng điệp, lớp lớp, trải dài tạo cho “vùng sơn cước” những bức tranh muôn màu sắc rực rỡ, những thửa ruộng bậc thang trù phú uốn lượn trên những sườn núi, những thác nước treo mình lơ lửng tung bọt trắng xóa….không chỉ vậy, khi đến với vùng đất này, du khách thập phương còn được hòa mình trong không gian văn hóa phong phú, đa dạng của cộng đồng các dân tộc thiểu số cùng nhau định cư sinh sống hàng ngàn năm, cùng với đó là không gian văn hóa, những phong tục tập quán, những ngày hội truyền thống gắn liền với cuộc sống của cư dân nơi đây…Hãy cùng Art Travel khám phá nhé!!!
1.Lễ hội Hoa Ban
Lễ hội hoa Ban hay còn gọi là lễ hội Xên Mường được người Thái ở Tây Bắc tổ chức vào dịp tháng 2 âm lịch, khi hoa ban bắt đầu nở trắng cả núi rừng Tây Bắc. Lễ hội thể hiện tấm lòng tôn kính tri ân của nhân dân tưởng nhớ công lao to lớn của các vị nhân thần tiền bối và cầu cho quốc thái, dân an, bản mường no ấm, quanh năm mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc…
Lễ hội hoa Ban là ngày vui của họ hàng, của bản, mường và là dịp cho trai gái gặp gỡ, hò hẹn nhau. Vào ngày 5/2 âm lịch hàng năm lễ hội hoa Ban được tổ chức. Nếu như lễ hội Xên bản (2 năm/ lần) chỉ diễn ra trong phạm vi của bản, mục đích là "cầu thần phù hộ” và cúng "rửa lá, xua đuổi thần trùng”, ít tổ chức các trò vui, thì lễ hội Xên mường (3 năm/ lần) lại được tổ chức rất to, thu hút nhiều người tài giỏi của toàn mường tham gia.
Du khách khi đến với lễ hội Hoa Ban, sẽ được hòa mình trong không khí nhộn nhịp giữa tiết trời của mùa xuân vùng cao, cùng say đắm trong tiếng pí, tiếng khèn, câu khắp và rộn ràng trong những vòng xòe nồng say lại càng thêm yêu mảnh đất, yêu con người nơi xứ Mường, để rồi khi chia tay miền Tây Bắc trong lòng lại lưu luyến không muốn rời xa.
2.Lễ hội cầu an bản Mường
Lễ hội Cầu An bản Mường là một lễ hội của đồng bào dân tộc Thái ở Mai Châu, Mộc Châu, Thuận Châu và đồng bào dân tộc Mường ở Tây Bắc.
Lễ hội cầu an cho xên bản, xên mường của người Thái Mai Châu là một sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng rất quan trọng đối với cộng đồng người ở Tây Bắc. Lễ hội thường được tổ chức vào cuối tháng giêng, đầu tháng hai âm lịch hàng năm (dịp tết Nguyên đán), gắn liền với tục giết trâu hiến sinh cầu và tạ thần linh, được biểu hiện qua tiếng sấm, tức lời phán quyết của vua trời, qua hình tượng thủy thần, thuồng luồng…
Lễ hội có liên quan đến đời sống vật chất, tinh thần, tâm linh của cả bản mường, đến mùa màng, sức khỏe và sự làm ăn của cả cộng đồng năm ấy, nên lễ hội được tổ chức rất trọng thể, vui vẻ, thu hút sự tham gia của đồng bào trong khu vực.
Lễ hội cầu Mường được diễn ra 2 ngày gồm phần lễ và hội. Theo thầy mo Sa Văn Tò cho biết: Để chuẩn bị cho phần lễ chính, từ chiều hôm trước, thầy mo cùng người dân trong bản chuẩn bị lễ vật mang tới bờ suối Bồ Bằm- xã Giáp Đắt làm lễ cúng ma rừng, mời thần linh, thổ công, thổ địa, ma rừng, long vương, diêm vương về nhận lễ tuyên bố lý do làm lễ cầu Mường. Lễ vật gồm: một mâm đầu trâu và thịt trâu còn sống, một mâm thịt trâu đã làm chín, một mâm thịt lợn, 2 mâm xôi gà chính, 12 mâm gà phụ đại diện cho các dòng họ; 17 lễ vải phà, bạc nén, trầu, cau, rượu sắp thành hai khu; một bình rượu cần.
3.Lễ hội cầu mưa
Lễ hội cầu mưa (hay còn gọi là lễ hội Xến Xó Phốn) vùng Tây Bắc được ra đời và hình thành cùng kho tàng văn hóa phi vật thể của người Thái. Qua bao đời chắt lọc, gạn đục khơi trong để có được tinh hoa, những giá trị về phong tục tập quán, tín ngưỡng. Lễ hội cầu mưa ngày nay mang đủ bản sắc văn hóa của người Thái Tây Bắc.
Lễ hội gồm 2 phần lễ và hội, phần lễ để cúng thần linh cai quản mưa nắng không mang yếu tố dị đoan mà chỉ mượn yếu tố tâm linh để dạy bảo con người, phần hội tạo nên những tiếng cười thoải mái nhằm giáo dục nhân cách, phẩm hạnh để con người vươn tới cái đẹp, của đạo đức truyền thống mà người Thái đã có.
Kết thúc lễ hội, bà con cùng nhau nâng chén rượu mừng, cầu chúc cho một năm mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, xua tan bệnh tật. Sau đó, trong niềm hân hoan, họ cùng nhau đi trồng cây để gìn giữ nguồn nước, khơi thông cống rãnh, dọn dẹp bờ mương, bờ suối để nước không bị ứ đọng, nước vào đồng ruộng thông suốt.
Nếu có cơ hội đi du lịch Tây Bắc vào dịp cuối tháng 10, đầu tháng 11 âm lịch, các bạn nhớ tham gia lễ hội độc đáo này của người Thái nhé!
4.Hội xuân hát giao duyên của người Dao Đỏ Tả Phìn
Mỗi độ xuân về, bà con dân tộc Dao Đỏ lại tưng bừng mở hội hát giao duyên truyền thống. Đây là một trong những lễ hội dân gian độc đáo nhất của đồng bào các dân tộc ít người ở huyện Sa Pa và cả tỉnh Lào Cai
Từ xa xưa, người dân tộc Dao đỏ sinh sống ở Sa Pa đã có phong tục hát giao duyên giữa nam và nữ chưa có gia đình để tìm bạn trăm năm, hát giữa người làng này với người bản kia để kết bạn mới. Đầu xuân năm mới hát giao duyên còn có ý nghĩa cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, gia đình mạnh khỏe, hạnh phúc. Đây cũng là dịp để những người bạn lâu ngày gặp lại nhau giãi bày tình cảm riêng tư qua lời ca, điệu múa.
Lễ hội không chỉ là một sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật đặc sắc truyền thống lâu đời của người Dao, mà còn được coi là nét kết tinh độc đáo của vùng văn hóa Tây Bắc. Hát lúc buồn vui giận dỗi, khi giao lưu sớm tối, kết bạn, lấy vợ, gả chồng và cả khi tổ chức lễ tết, hội hè... chính là nguồn gốc ra đời của những bài ca cổ, giai điệu tình tứ đằm thắm mang đậm sắc thái vùng cao.
Lễ hội hát giao duyên ở Tà Phìn – Sapa là trải nghiệm đầu năm mới không thể bỏ qua ở nơi đây. Đến với lễ hội, bạn sẽ có những cái nhìn sâu sắc về văn hóa của dân tộc Sapa. Đây sẽ là chuyến đi ý nghĩa dành cho bạn. Chúc bạn một chuyến đi vui vẻ!